Khai mạc Trại hè NCKH quốc tế 2015 tại Đại học Duy Tân: Giới thiệu định hướng nghiên cứu mới trong ngành Điện tử-Viễn thông và Công nghệ Thông tin
Ngày: 09/09/2015
Các Thạc sỹ trẻ tham dự Trại hè Nghiên cứu Khoa học quốc tế2015 tại Đại học Duy Tân |
“Một môi trường học thuật cạnh tranh, thôi thúc ý tưởng, thôi thúc sáng tạo là điều hết sức cần thiết để giáo dục đại học và hoạt động nghiên cứu khoa học Việt Nam chúng ta cất cánh, có bản lĩnh riêng khi hội nhập toàn cầu.
Tiếc là một môi trường như vậy, đối với khu vực miền Trung còn yếu. Nếu ở 2 thành phố lớn 2 đầu đất nước, việc trao đổi ý tưởng, thổ lộ những tâm huyết, những ý nghĩ nhen nhóm đầu tiên về một đề tài khoa học của giới chuyên môn diễn ra như một hoạt động thường nhật, thì ở Đà Nẵng, ở miền Trung lại chưa có được không khí đó.
Đồng tổ chức Trại hè Nghiên cứu Khoa học quốc tế, Đại học Duy Tân muốn khơi dậy không khí đó. Mà muốn vậy thì phải chuẩn bị tâm thế khi còn ở trong nước, để khi có cơ hội trở thành nghiên cứu sinh tại các nước có nền giáo dục tiên tiến, các bạn trẻ chúng hội nhập mà không bở ngỡ” – Nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ – Hiệu trưởng Đại học Duy Tân chia sẻ.
Nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ – Hiệu trưởng Đại học Duy Tân phát biểu khai mạc Trại. |
Trại hè Nghiên cứu Khoa học Quốc tế lần thứ nhất quy tụ 50 bạn trẻ đang ở giai đoạn dự bị nghiên cứu sinh quốc tế. Trong 3 ngày làm việc cùng nhau các bạn sẽ được trang bị các các kỹ năng chuẩn bị hồ sơ cũng như tìm hiểu các thủ tục xin học bổng Tiến sĩ ở nước ngoài; nghe chia sẻ kinh nghiệm khi làm việc với các giáo sư nước ngoài hướng dẫn nghiên cứu; tham dự các khóa huấn luyện về phương pháp nghiên cứu khoa học với các chuyên gia là những giáo sư có uy tín đang giảng dạy tại các trường đại học trong và ngoài nước; cùng tham dự các hoạt động cộng đồng ý nghĩa với các đồng nghiệp có cùng chung đam mê nghiên cứu trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học.
Các Thạc sỹ trẻ cũng sẽ tiếp cận phương pháp và kỹ năng trình bày báo cáo khoa học tại một hội nghị. Thế nào là văn phong khoa học. Làm sao để được đăng bài báo chuẩn ISI. Bắt đầu là kiến thức về cấu trúc một bài báo chuẩn ISI, cách thức viết trả lời bình duyệt và sử dụng phần mềm trong nghiên cứu và tính toán như thế nào…
Bên cạnh đó là những vấn đề thường nhật khi du học như đời sống và việc làm, làm quen với văn hóa bản địa, hoà nhập vào môi trường sinh hoạt tại một đô thị ở nước ngoài…đến lựa chọn nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp.
Thú vị nhất là việc tra cứu và trích dẫn tài liệu sao cho hiệu quả. Nhận thức về vấn đề “bị đạo văn” và cách “tránh đạo văn khi trích dẫn, sử dụng kết quả của báo cáo khoa học khác”. Kế đến là những thông tin mới nhất về các hướng nghiên cứu trong ngành Điện tử-Viễn thông và Công nghệ Thông tin. BTC đã mời các diễn giả có uy tín giữ vai trò dẫn dắt, định hướng thông qua các seminar sinh động và các buổi trao đổi, toạ đàm mở: PGS. TS. Dương Quang Trung, Queen’s University Belfast, UK -Ảnh: TS. Hà Đắc Bình, Trưởng khoa Điện-Điện tử Đại học Duy Tân (hàng đầu, dãy trước trong ảnh). |
“Chúng tôi cố gắng mang đến cho các bạn Thạc sĩ trong nước lượng thông tin thực sự hữu ích, kể cả sẵn sàng hướng dẫn các ứng viên thủ tục, hồ sơ xin học bổng phù hợp để học Tiến sĩ tại các nước có nền giáo dục tiên tiến. Đây là hoạt động hỗ trợ, giúp các bạn tìm kiếm các cơ hội nghiên cứu sinh mà lượng thông tin phổ biến trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội không thể vươn đến. Và đây là thông tin chính thức, chính thống. Chúng tôi cũng chia sẻ kinh nghiệm ứng tuyển sao cho thành công với các kênh học bổng này” - PGS.TS Dương Quang Trung (Queen’s University Belfast, UK) cho biết.
Được biết, Quỹ Newton là Chương trình hợp tác phát triển chính thức của Vương quốc Anh trong lĩnh vực nghiên cứu và đổi mới. Hội đồng Anh cùng với các tổ chức lớn khác tại Vương quốc Anh đang triển khai các chương trình thuộc Quỹ Newton trên phạm vi toàn cầu. Các tổ chức này bao gồm International Unit, Innovate UK, The Academy of Medical Sciences, Royal Academy of Engineering, Research Councils UK, UK Medical Research Council, The British Academy, The Royal Society, The Met Office and The Academy of Medical Sciences.
Trong 5 năm từ năm 2014, Quỹ Newton cung cấp 75 triệu bảng Anh mỗi năm nhằm thúc đẩy hợp tác khoa học và đổi mới vì mục tiêu phát triển kinh tế xã hội tại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Chương trình Newton Việt Nam cũng được thực hiện trong 5 năm và đã được khởi động trong năm 2014. Chương trình bao gồm ba cấu phần: Nâng cao năng lực, Nghiên cứu và Chuyển giao.
Hội đồng Anh hiện đang hợp tác với các tổ chức và cơ quan tài trợ của chính phủ Việt Nam để thực hiện cấu phần: Nâng cao năng lực nhằm tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác quốc tế và phát triển chuyên môn cho cá nhân và tổ chức nghiên cứu trong các lĩnh vực ưu tiên phát triển của Việt Nam.
Có những điều mình cho là nhỏ nhưng thực sự không nhỏ, thậm chí đánh mất cơ hội. Tại các diễn đàn khoa học, hội nghị khoa học quốc tế, anh chị em nghiên cứu sinh mình thường tìm nhau rồi quy tụ lại trò chuyện (cũng dễ hiểu, gặp đồng hương ở xứ người thì quá mừng !), sau đó thì bàn nhau tìm địa chỉ nào có bán món ăn Việt để thưởng thức cho đã thèm. Nhưng kinh nghiệm cho thấy các bạn nên tận dụng các diễn đàn này để hỏi, để truy, làm rõ những điều mình chưa thông; hỏi để học hỏi, để rèn kỹ năng ngoại ngữ, rèn kỹ năng phản biện và tranh luận, hỏi cũng là cách để tự giới thiệu và làm quen, kết thêm bạn đồng môn trong nghiên cứu khoa học hay biết thêm những nhà khoa học, chuyên gia đầu đàn quốc tế. PGS.TS Dương Quang Trung |
Thanh Nhã thực hiện
Nguồn: http://www.ictdanang.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=9735:khai-mac-trai-he-nckh-quoc-te-2015-tai-dai-hoc-duy-tan-gioi-thieu-dinh-huong-nghien-cuu-moi-trong-nganh-dien-tu-vien-thong-va-cong-nghe-thong-tin&catid=3:cntt-va-cuoc-song&Itemid=50
Bài viết liên quan