PHÒNG KHOA HỌC CÔNG NGHỆ - ĐẠI HỌC DUY TÂN

Hội nghị & Hội thảo

Hội thảo Quốc tế “Phát triển du lịch Đà Nẵng”: Thêm “kế sách” để phát triển

Ngày: 09/09/2015

(Cadn.com.vn) - Ngày 13-12, Sở VH-TT&DL Đà Nẵng phối hợp với Trường ĐH Duy Tân và Khoa du lịch, ĐH San Jose (Hoa Kỳ) tổ chức Hội thảo Quốc tế “Phát triển du lịch Đà Nẵng” với sự tham dự của gần 200 nhà nghiên cứu, lãnh đạo các DN du lịch. Tại Hội thảo, nhiều ý kiến, ý tưởng đã được nêu ra nhằm góp phần tìm một hướng đi mới, phát triển ngành du lịch Đà Nẵng.

Các đại biểu tham dự buổi hội thảo. 

Đà Nẵng được xem là điểm trung chuyển quan trọng trên con đường di sản miền Trung, cũng sở hữu các địa danh nổi tiếng như Bà Nà, Sơn Trà, Tiên Sa, Non Nước… và cũng được ví von là “Thành phố đáng sống”… Nên Đà Nẵng trở thành điểm đến không thể thiếu trong hành trình khám phá Việt Nam, Châu Á của du khách trong nhiều năm trở lại đây. Ông Huỳnh Đức Thơ - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - cho biết “không phải đến bây giờ chúng tôi mới làm du lịch mà chúng tôi đã làm từ cách đây hàng chục năm. Từ lúc còn sơ khai, lúc thành phố còn quay lưng ra biển. Và trải qua gần 20 năm, với sự phát triển nhanh chóng của cơ sở hạ tầng, của nền kinh tế thì du lịch cũng phát triển theo. Chúng tôi đã tập trung đầu tư và chọn du lịch là ngành mũi nhọn và cho đến nay Đà Nẵng cũng đã có sự hiện diện của các hãng du lịch hàng đầu thế giới. Trong những năm gần đây Đà Nẵng đã vươn lên và có điểm số cao trên bản đồ du lịch thế giới”.

Vậy nhưng, dù được coi là phát triển nhưng du lịch Đà Nẵng cũng đang gặp phải những bất cập, chưa tương xứng với tiềm năng. Theo thống kê thì phần đóng góp của dịch vụ giải trí vào GDP còn thấp, giá trị sản xuất của ngành còn hạn chế so với tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Tỷ lệ lao động tham gia vào hoạt động giải trí mới chỉ đạt 13-14%, các địa điểm vui chơi, giải trí, nhất là về đêm chưa nhiều hoặc chưa đủ tầm để phục vụ du khách… Vậy làm sao để phát triển du lịch Đà Nẵng và phát triển theo hướng nào để xứng tầm với lợi thế đang có là vấn đề được nhiều đại biểu nêu ra tại hội thảo.

TS Tsu Hong Yen, Trưởng Khoa Quản trị du lịch và Khách sạn, ĐH San Jose (Hoa Kỳ) lấy kinh nghiệm phát triển du lịch từ Las Vegas, trung tâm giải trí, du lịch nổi tiếng thế giới tại Mỹ để minh chứng rằng “Giải trí là một dịch vụ quan trọng dành cho khách du lịch. Nó cung cấp các giải pháp cho vấn đề “làm gì” tại một điểm đến, đặc biệt vào thời gian buổi tối. Vì vậy Đà Nẵng cần xác định tầm nhìn của mình đối với sự phát triển của ngành du lịch. Đầu tư xây dựng các loại hình giải trí đáp ứng được sự kỳ vọng của du khách cũng như cần có những buổi trình diễn riêng của mình dựa trên nền tảng văn hóa địa phương”.

Đà Nẵng là TP có nhiều thuận lợi về địa lý và điều kiện tự nhiên để phát triển du lịch.

Phát triển du lịch không thể đơn lẻ và trong trường hợp này, muốn “níu chân” du khách dài ngày thì phải có sự liên kết của nhiều tỉnh thành, nhất là các địa phương lân cận Đà Nẵng. Ông Trương Nam Thắng, chuyên gia dự án du lịch nâng cao năng lực có trách nhiệm với Môi trường và Xã hội đưa ra quan điểm “Đà Nẵng phải thực sự coi trọng giá trị của 2 địa phương lân cận là TT-Huế và Quảng Nam, cần có mô hình hợp tác chặt chẽ, hiệu quả và bền vững giữa 3 tỉnh. Đồng thời chủ động vươn lên đóng vai trò “đầu tàu” của vùng gắn với đầu tư mở rộng sân bay, cảng biển quốc tế, liên kết mở thêm các tuyến bay thẳng từ các thị trường nguồn gửi khách, các tuyến bay charter… nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ du lịch, tăng cường kích cầu nhưng không khuyến khích hạ giá. Tạo ra môi trường an toàn, lành mạnh và thân thiện cũng như khuyến khích các doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm dịch vụ thân thiện với môi trường. Phát triển sản phẩm du lịch biển đảo gắn với các hoạt động nhằm cải thiện môi trường biển và tăng cường đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, hội nhập quốc tế”.

Cùng chung quan điểm này, TS Nguyễn Văn Hùng - Phó Viện trưởng viện nghiên cứu và phát triển KT-XH Đà Nẵng - cho rằng, tiềm năng du lịch TP Đà Nẵng gắn với vùng Duyên hải miền Trung vì vậy cần nâng cao tính liên kết vùng hợp lý, xây dựng một tầm nhìn chiến lược hợp lý và một hệ quan điểm phát triển thống nhất. Triển khai các dự án mang tính liên tỉnh, thành phố, tạo sự đồng bộ trên suốt tuyến du lịch… vùng duyên hải miền Trung.

Lãnh đạo thành phố cũng nhìn nhận nguồn tài nguyên du lịch Đà Nẵng còn khiêm tốn, nếu không có kế hoạch, chiến lược phát triển đúng đắn, giải pháp thích hợp, nhà đầu tư đúng tầm, quy hoạch tổng thể bài bản… thì nguồn tài nguyên sẽ bị tổn thương, mất mát, sẽ làm hỏng đi nguồn tài nguyên quý giá đó.

Vì vậy trong chính sách phát triển du lịch, Đà Nẵng đặc biệt ưu tiên, lựa chọn các bước đi, các kế hoạch và giải pháp phù hợp để sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên. “Chúng tôi nhận thấy mình vẫn còn có nhiều khiếm khuyết trong phát triển quy hoạch tổng thể nguồn du lịch, về chiến lược, xây dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh…

Vì thế chúng tôi luôn lắng nghe các ý kiến góp ý và tìm cách khắc phục dần các nhược điểm để phát triển du lịch theo hướng bền vững” - Phó Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ khẳng định những ý kiến đóng góp của các chuyên gia sẽ là một kênh quan trọng để xây dựng, phát triển du lịch Đà Nẵng.

Nguồn: http://cadn.com.vn/news/113_124767_ho-i-tha-o-quo-c-te-pha-t-trie-n-du-li-ch-da-na-ng-them-ke-sa-ch-de-pha-t-trie-n.aspx

 

  • CỤC SỞ HỮU TRÍ TUỆ VIỆT NAM
  • Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam
  • Liên hiệp các hội KHKT Đà Nẵng
  • SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TP ĐÀ NẴNG
  • Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Nam
  • TAP CHI KHCN VN
  • THANH TRA BỘ KHCN
  • NGÀY KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
  • BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
  • Đăng ký thi sơ tuyển