PHÒNG KHOA HỌC CÔNG NGHỆ - ĐẠI HỌC DUY TÂN

CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ

NGHIÊN CỨU, THIẾT KẾ VÀ XÂY DỰNG THIẾT BỊ KIỂM SOÁT AN NINH TÍCH HỢP CAMERA, MÀN HÌNH, MÁY ĐỌC VÂN TAY, MÁY ĐỌC THẺ RFID TRÊN NỀN NHÚNG

Ngày: 26/01/2021

        Bên cạnh ngôn ngữ giao tiếp, các thông tin dưới dạng hình ảnh đóng một vai trò rất quan trọng trong việc trao đổi thông tin. Chính vì vậy mà trong những năm gần  đây sự kết hợp giữa ảnh và đồ họa đã trở nên rất chặt chẽ trong lĩnh vực xử lý thông tin. Trong công nghệ thông tin, xử lý ảnh và đồ họa đã chiếm một vị trí rất quan trọng bởi vì các đặc tính đầy hấp dẫn đã tạo nên một sự phân biệt với các lĩnh vực khác.

        Bài toán nhận dạng mặt người là bài toán đã được nghiên cứu từ những năm 70. Tuy nhiên, đây là một bài toán khó nên những nghiên cứu hiện tại vẫn chưa đạt  được kết quả mong muốn. Chính vì thế vấn đề này vẫn đang được nhiều nhóm trên thế giới quan tâm nghiên cứu. Vào năm 2001, Sở cảnh sát Tampa đã lắp đặt một hệ thống camera có gắn phần mềm nhận diện khuôn mặt tại quận Ybor City vốn nổi tiếng về các hoạt động về đêm nhằm giảm bớt tỉ lệ tội phạm trong khu vực này. Nhưng kế hoạch này đã hoàn toàn thất bại, và nó bị đình chỉ vào năm 2003 do thiếu hiệu quả. Bởi những người sống trong khu vực này đã đeo mặt nạ và thực hiện hành vi phạm tội khiến cho camera không thể nhận diện được bất kỳ ai. Sân bay Logan ở Boston cũng đã nhờ những người tình nguyện thực hiện hai bài kiểm tra hệ thống nhận diện khuôn mặt riêng biệt tại các điểm chốt an ninh của sân bay. Sau một khoảng thời gian kiểm tra 3 tháng, kết quả thu được thật đáng thất vọng. Theo như Trung tâm thông tin bảo mật điện tử, hệ thống này chỉ đạt tỉ lệ chính xác là 61.4%.

         Một trong những cách tiếp cận để giải quyết khó khăn trong bài toán nhận dạng sinh trắc học nhằm tăng độ chính xác, là sử dụng đa sinh trắc và kết hợp với thẻ. Từ năm 2008 một số tòa nhà liên bang Mỹ đã phát hành loại thẻ kiểm tra nhân dạng (PIV) mới có chứa dữ liệu dấu vân tay dạng kỹ thuật số. Theo Viện nghiên cứu về tiêu chuẩn và công nghệ quốc gia Mỹ (NIST), dùng thẻ PIV để xác nhận sinh trắc học vừa nhanh, vừa nâng cao tính an toàn trước nạn ăn cắp và giả mạo nhân dạng cá nhân. Theo đó, mỗi nhân viên khi bước vào mỗi tòa nhà liên bang đặt thẻ PIV vào rãnh giống như máy ATM. Sau đó, người sử dụng sẽ nhập số PIN để nhập thông tin và đặt ngón tay lên máy quét để so sánh. Cho đến nay kỹ thuật kiểm soát an ninh này đã bắt đầu được ứng dụng rộng rãi ở nhiều nơi trên thế giới với nhiều dòng sản phẩm khác nhau phục vụ cho nhiều mục đích và đối tượng người dùng khác nhau.

         Ở nước ta hiện nay, việc kiểm soát tự động đã có nhiều bước phát triển đáng kể, việc ứng dụng công nghệ nhận dạng đa sinh trắc kết hợp với công nghệ nhận dạng bằng tần số vô tuyến (RFID) trên nền hệ thống nhúng vào các hệ thống kiểm soát an ninh ngày một thiết thực và có khả năng ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội. Trong khi đó việc phát triển và ứng dụng các chương trình giám sát gắn với sinh trắc học, mà cụ thể là với việc nhận dạng mặt người vẫn mang tính chất lẻ tẻ. Có thể kể đến: Nhóm Lê Hoàng Thái, Phạm Thế Bảo thuộc Khoa Công nghệ thông tin – ĐH Khoa học tự nhiên – ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh; Nhóm nhận dạng xử lý ảnh, Viện Công nghệ thông tin; Công ty Tiên Phong, địa chỉ tại 136 Trần Duy Hưng - Cầu Giấy - Hà Nội là một công ty chuyên về các thiết bị và giải pháp an ninh gắn với việc nhận dạng sinh trắc học; Công ty IT WORKS Vietnam, địa chỉ 157--159 Nguyễn Đình Chiểu, Quận.3, Tp. Hồ Chí Minh.

         Nhóm nhận dạng xử lý ảnh, Viện Công nghệ thông tin đã phát triển hệ thống nhận dạng mặt người phục vụ cho kiểm soát vào ra theo mô hình Client/Server. Phần mềm mới dừng ở xử lý trên mô hình 2D nên còn chịu nhiều tác động của ánh sáng môi trường và cũng như hầu hết các phần mềm phát hiện nhận dạng mặt người khác, tỷ lệ chính xác đạt được 80% là vẫn chưa cao, nên việc đưa vào ứng dụng thực tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, phòng Thí nghiệm mô phỏng và tích hợp hệ thống Cục Nghiệp vụ Tin học, Tổng cục Hậu cần và Kỹ thuật, Bộ Công an đã giải quyết thành công bước đầu bài toán nhận dạng vân tay tự động, đã xây dựng sản phẩm C@FRIS và đưa vào ứng dụng thực tế. Tuy nhiên, để xây dựng được một hệ thống nhận dạng vân tay tự động đủ tin cậy, có khả năng trích chọn đặc điểm và đối sánh với độ chính xác cao, đạt tốc độ xử lý nhanh, còn có rất nhiều vấn đề kỷ thuật cần tiếp tục cải tiến. Một trong những cách tiếp cận để giải quyết khó khăn trong bài toán nhận dạng sinh trắc học nhằm tăng độ chính xác, là sử dụng đa sinh trắc và kết hợp với thẻ.

        Nhận thấy những vấn đề như trên, Trường ĐH Duy Tân (đơn vị cơ sở thực hiện chính là Trung tâm Điện - Điện tử) đã phối hợp với phòng Thí nghiệm trọng điểm Công nghệ mạng và Đa phương tiện - Viện Công nghệ thông tin, phòng Thí nghiệm mô phỏng và tích hợp hệ thống Cục Nghiệp vụ Tin học Tổng cục Hậu cần và Kỹ thuật, Bộ Công an thực hiện Đề tài Nghiên cứu khoa học Cấp Bộ: Nghiên cứu, phát triển hệ thống kiểm soát an ninh sử dụng công nghệ nhận dạng đa sinh trắc kết hợp với công nghệ nhận dạng bằng tần số vô tuyến (RFID) trên nền hệ thống nhúng. Trong khuôn khổ đề tài này, nhóm tác giả có nhiệm vụ nghiên cứu, thiết kế và xây dựng thiết bị kiểm soát an ninh tích hợp camera, màn hình, máy đọc vân tay, máy đọc thẻ RFID trên nền nhúng có những tính năng phù hợp với nội dung nghiên cứu của đề tài.

 

  • CỤC SỞ HỮU TRÍ TUỆ VIỆT NAM
  • Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam
  • Liên hiệp các hội KHKT Đà Nẵng
  • SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TP ĐÀ NẴNG
  • Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Nam
  • TAP CHI KHCN VN
  • THANH TRA BỘ KHCN
  • NGÀY KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
  • BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
  • Đăng ký thi sơ tuyển