PHÒNG KHOA HỌC CÔNG NGHỆ - ĐẠI HỌC DUY TÂN

Thông tin

Xăng E5 - "Kẻ thay thế" xăng A92 có gì lợi hại?

Ngày: 19/01/2021

Sự khác biệt của xăng A92 và xăng A95

Xăng là một trong những thành phẩm của quá trình chưng cất dầu mỏ, được sử dụng như một loại nhiên liệu, chất đốt cho các phương tiện có động cơ đốt trong, hoặc một số vật dụng như bật lửa, lò sưởi…

Loại bỏ xăng A92 và “kẻ thay thế” sinh học E5

Xăng mà chúng ta đang sử dụng là xăng thành phẩm có các chỉ số chất lượng nhất định, phù hợp với từng loại động cơ. Một trong những tiêu chí để phân biệt là chỉ số octane - biểu hiện tính chống kích nổ của xăng.

Chỉ số octane càng cao, tính chống kích nổ càng cao. Đây cũng chính là ý nghĩa của con số trong tên gọi của xăng: xăng A92 (hay RON 92) có chỉ số octane bằng 92. Tương tự, xăng A95 (hay RON 95) có chỉ số octane bằng 95.

Việc sử dụng xăng A92 hay A95 có quan hệ mật thiết với tỉ số nén động cơ đốt trong. Các phương tiện có tỉ số nén động cơ dưới 9/1 (thường là các loại xe số như Honda Dream, Wave, Jupiter…) cần sử dụng xăng A92, còn các loại xe số tự động (còn gọi là xe tay ga) có tỉ số nén trên 9.5/1 nên thường sử dụng xăng A95.

Việc xe có tỉ số nén thấp sử dụng xăng có chỉ số octane cao sẽ khiến xăng không cháy hết, gây hao hụt nhiên liệu, giảm công suất, đồng thời gây hiện tượng đóng cặn khiến máy mau hỏng.

Ngược lại, xe có tỉ số nén cao sử dụng xăng A92 có thể gây hiện tượng kích nổ - xăng bùng cháy trước khi bugi đánh lửa, gây hao hụt năng lượng, gây nóng máy, giảm hiệu suất, rất có hại cho động cơ.

Loại bỏ xăng A92 và “kẻ thay thế” sinh học E5

Xăng A92 hay xăng A95 về bản chất đều là xăng khoáng, tức là lấy từ nhiên liệu hóa thạch. Các nhiên liệu hóa thạch chứa hàm lượng cacbon và hydrocacbon cao - được tạo thành bởi quá trình phân hủy kỵ khí của các sinh vật chết bị chôn vùi cách đây hơn 300 triệu năm. Sản phẩm tạo thành sau khi đốt cháy nhiên liệu bao gồm khí CO2 và CO - những khí rất có hại cho môi trường.

Mặt khác xăng E5 chính là xăng A92 trộn lẫn 5% ethanol có nồng độ 99,5%. Ethanoltrong xăng được điều chế từ các hợp chất có nguồn gốc từ động thực vật, như chất béo, ngũ cốc, chất thải nông nghiệp (rơm, rạ)...

Theo các nghiên cứu, xăng sinh học E5 khi đốt cháy có mức khí thải độc hại thấp hơn hẳn so với các loại nhiên liệu hóa thạch thông thường.

Kết quả thử nghiệm cho thấy, nhờ có hàm lượng Oxy cao hơn xăng thông dụng, quá trình đốt cháy bên trong động cơ diễn ra hiệu quả hơn, giúp tăng công suất động cơ, đồng thời giảm tiêu hao nhiên liệu.

Xăng sinh học E5.

Về các chỉ số an toàn, do chỉ số octane trong ethanol cao hơn so với xăng thông thường, nên chỉ số octane thành phẩm của xăng E95 sẽ rơi vào mức 93-94.

Điều này có lợi khi chủ yếu các phương tiện tại Việt Nam có tỉ suất nén lớn hơn 9/1. Việc sử dụng xăng A92, dù ít hay nhiều cũng gây hiện tượng kích nổ, hao mòn máy và giảm hiệu suất động cơ.

Theo ý kiến của một số chuyên gia, đối với các loại xe sử dụng động cơ loại cũ (trước năm 1993) - axit trong xăng sinh học có thể gây ảnh hưởng đến các zoăng cao su, nhựa, polymer của động cơ.

Nhưng với các xe có động cơ sản xuất sau năm 1993 thì điều này gần như là không xảy ra. Lý do là bởi vật liệu của động cơ, đặc biệt là hệ thống cung cấp nhiên liệu đã được cải tiến.

Chính vì vậy axit trong xăng không thể gây ảnh hưởng lên động cơ. Hơn nữa, trong quá trình đốt, loại xăng này không hề gây ra một phản ứng phụ nào khác.

Chất lượng xăng E5 tại Việt Nam có đảm bảo tiêu chuẩn chung của thế giới không?

Nguyên liệu E100 cũng như RON 92 trước khi nhập kho đều được các công ty giám định độc lập (ví dụ như PV EIC và QUATEST) kiểm tra chất lượng sản phẩm, sản phẩm đạt chất lượng theo TCVN hiện hành chúng mới được nhập kho.

Sau đó, xăng E5 được pha chế tại các trạm pha chế được phân bổ tại các khu vực kinh doanh xăng E5. Sau khi pha chế, xăng E5 được các Trung tâm Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng khu vực là QUATEST 1 và 3 đánh giá và cấp chứng nhận hợp quy theo QCVN 01:2009/BKHCN – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xăng, nhiên liệu điêzen và Nhiên liệu Sinh học và sản phẩm xăng E5 sản xuất phải đảm bảo đạt Tiêu chuẩn chất lượng theo TCVN 8063:2009 – Xăng không chì pha 5% Etanol Yêu cầu kỹ thuật.

Như vậy, sảm phẩm xăng E5 trước khi sử dụng được kiểm soát rất chặt chẽ trong tất cả các khâu nhằm đảm bảo chất lượng xăng E5 đạt tiêu chuẩn chung của xăng E5 thế giới.

Sau hơn 1 năm sử dụng xăng E5 tại 8 tỉnh/thành phố không diễn ra bất kỳ sự cố động cơ nào liên quan đến xăng E5

Nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất có công suất chế biến 100 triệu lít Ethanol mỗi năm.
Nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất có công suất chế biến 100 triệu lít Ethanol mỗi năm. (Ảnh: Trí Tín).

Một số nước trên thế giới đã sử dụng xăng sinh học từ lâu. Mỹ đã đi tiên phong trong việc pha ethanol làm chất phụ gia cho xăng, với loại E10 (10% cồn) vào năm 2005 hay năm 2008 Thái Lan thậm chí đã sử dụng E10 và E20 (10 và 20% ethanol).

Mức độ tiêu hao nhiên liệu của xăng E5 so với A92?

Việc pha ethanol làm tăng trị số octane và làm cho nhiên liệu cháy triệt để hơn.

Các nhà sản xuất ô tô chính trên thế giới đều ghi rõ trong Sổ tay hướng dẫn sử dụng việc chấp nhận sự tương hợp giữa xăng không chì chứa từ 10% thể tích ethanol nhiên liệu biến tính trở xuống đối với động cơ và vẫn đảm bảo đầy đủ các quyền lợi bảo hành cho người sử dụng xe.

Một số hãng xe lớn như General Motors, Ford, Daimler, Infinity, BMW, Lexus, Nissan, Subaru và Toyota... còn khuyến cáo nên sử dụng loại xăng có chứa đến 10% ethanol để tăng hiệu suất vận hành xe và giảm khí thải, cải thiện chất lượng không khí.

Nhiều nước trên thế giới đã dùng đến E20 để tăng hiệu quả hoạt động của động cơ.

Vì vậy, mức độ tiêu hao nhiên liệu của xăng E5 tốt hơn so với xăng A92.

Việc chuyển đổi liên tục giữa xăng E5 và xăng thông thường không ảnh hưởng đến động cơ xe

Không có vấn đề gì về kỹ thuật đối với những động cơ vừa sử dụng xăng E5 vừa sử dụng xăng truyền thống vì trên thực tế xăng sinh học E5 được sản xuất trên nền tảng đưa ethanol vào xăng truyền thống. Xăng E5 được pha chế từ 95% xăng A92 và 5% ethanol khan. Các nguyên liệu này đều được giám định chất lượng bởi các trung tâm Tiêu chuẩn đo lường chất lượng trước khi nhập kho và đạt tiêu chuẩn VN.

Xăng sinh học E5 với phụ gia Ethanol sắp tới sẽ thay thế hoàn toàn xăng A92.
Xăng sinh học E5 với phụ gia Ethanol sắp tới sẽ thay thế hoàn toàn xăng A92.

Hiện nay, đã có những nghiên cứu chứng minh xăng E5 hoàn toàn không hề thay đổi chất lượng trong thời gian 6 tháng, nên phương tiện không vận hành thường xuyên trong khoảng thời gian dưới 6 tháng thì hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng xăng E5 mà không sợ ảnh hưởng đến động cơ.

Xăng E5 sau một thời gian tồn trữ cón bị ngậm nước không?

Đặc tính của cồn là có tính ngậm nước, đặc biệt thời tiết tại miền Bắc Việt Nam vào những tháng có hơi nước trong không khí nhiều có thể tạo ra nguy cơ cho xăng E5 bị ngậm nước.

Tuy nhiên, điều này thực tế gần nhưn không xẩy ra vì cồn dùng để pha xăng là loại cồn có hàm lượng cồn 99,95%, tức là gần như là đạt đến độ tuyết đối 100% độ cồn, do đó không thể có nước ở trong cồn được, vì vậy xăng E5 cũng không thể có nước trong nó.

Vì vậy, chúng ta hoàn toàn an tâm về khả năng xăng E5 có thể bị ngậm nước.

Xăng E5 cũng không thể có nước trong nó.

Xăng E5 rẻ hơn so với xăng A92

Xăng E5 có nhiều ưu điểm hơn xăng A92 thì tại sao xăng E5 lại rẻ hơn xăng A92.

Lý do là vì Nhà nước đang hỗ trợ người tiêu dùng và các công ty đầu mối kinh doanh xăng dầu. Cụ thể: Nhà nước đang hỗ trợ người dùng xăng E5 với mức 500đ/lit thông qua việc trích lập quỹ bình ổn giá thấp hơn so với xăng A95 và A92 và hỗ trợ 250đ/lit cho các đầu mối kinh doanh xăng dầu để đảm bảo có lãi khi phối trộn xăng khoáng với nhiên liệu E100.

Tạm kết

Trước bối cảnh nguồn tài nguyên dầu mỏ đang dần cạn kiệt và môi trường thiên nhiên bị tàn phá, việc sử dụng xăng sinh học là một xu hướng cần thiết.

Theo dự đoán của nhiều chuyên gia, xăng sinh học sẽ trở thành nguồn nhiên liệu chính thay thế cho nhiên liệu hóa thạch trong tương lai gần.

Theo Trí Thức Trẻ

  • CỤC SỞ HỮU TRÍ TUỆ VIỆT NAM
  • Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam
  • Liên hiệp các hội KHKT Đà Nẵng
  • SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TP ĐÀ NẴNG
  • Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Nam
  • TAP CHI KHCN VN
  • THANH TRA BỘ KHCN
  • NGÀY KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
  • BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
  • Đăng ký thi sơ tuyển