PHÒNG KHOA HỌC CÔNG NGHỆ - ĐẠI HỌC DUY TÂN

Thông tin

Những trường ĐH chi trăm triệu cho bài báo công bố quốc tế

Ngày: 19/01/2021

Những trường ĐH chi trăm triệu cho bài báo công bố quốc tế

Nhiều trường đại học hiện nay đã sẵn sàng chi thưởng cao cho những bài báo công bố quốc tế.

 


bài báo ISI, công bố quốc tế, nghiên cứu khoa học, ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP.HCM, ĐH Duy Tân

Phòng thí nghiệm Robottic Trường ĐH Công nghệ (ĐHQG Hà Nội)

Số bài báo khoa học công bố trên những tập san khoa học, và số lần trích dẫn những bài báo đó như là 2 thước đo dùng để đánh giá năng lực khoa học của một cá nhân, một trung tâm nghiên cứu hay một cơ sở giáo dục dại học.

Việc tăng cường các nghiên cứu trình độ cao xuất phát từ nhu cầu nội tại của các trường về đào tạo chất lượng cao, nhất là đào tạo sau đại học. Gần đây, một số trường đã có những chính sách ưu đãi đặc biệt để thúc đẩy hoạt động này.

Trường ĐH Kinh tế TP.HCM mới đưa ra quy định về kinh phí cho một đề tài dự kiến công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế uy tín như ISI, Scopus, ABS, ABDC. Con số có thể lên tới 100 - 200 triệu đồng.

Với quy định này, chủ nhiệm đề tài được tạm ứng 50% kinh phí để nghiên cứu sau khi Hiệu trưởng ký Quyết định phê duyệt đề tài. 50% kinh phí còn lại thanh toán khi bài báo được chấp thuận như dự kiến.

Kinh phí được phê duyệt đã bao gồm các khoản dùng để triển khai đề tài, tham dự hội thảo quốc tế và thưởng cho công bố quốc tế.

Kinh phí được trích từ quỹ Nghiên cứu Hàn lâm của trường. Quỹ này trích từ nguồn thu học phí và được tiếp tục áp dựng từ năm 2016.

Mục tiêu của quỹ nhằm khuyến khích giảng viên thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học theo hướng hàn lâm, viết bằng tiếng Anh và công bổ kết quả nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế có uy tín. Số lượng dự kiến xét chọn trong năm từ 10 đến 20 đề tài.

Nhiều trường đại học khác chọn cách hỗ trợ - thưởng cho các tác giả khi đã có bài đăng tạp chí quốc tế. Mức độ thưởng theo quy định của từng trường, căn cứ vào nguồn kinh phí của trường.

Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP.HCM) ưu tiên thực hiện chính sách cấp kinh phí công bố bài quốc tế có chỉ số ISI (trong trường hợp các tạp chí quốc tế có yêu cầu nộp lệ phí). Trường có mức hỗ trợ kinh phí công bố khoa học đối với bài ISI quốc tế là 15 triệu đồng và 450 tiết NCKH, bài ISSN quốc tế là 10 triệu đồng và 300 tiết NCKH.

Hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TP.HCM, ông Trần Diệp Tuấn, cho biết trường cũng mới có quyết định về việc khen thưởng bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế có bình duyệt. Theo quyết định này, mức chi khen thưởng bài báo nghiên cứu khoa học đăng trên tạp chí có bình duyệt đối với nhóm 1 là 2 triệu đồng x chỉ số tác động (Impact Factor, IF) (làm tròn lên đến mức 0,5). Nhóm 2 là 3 triệu đồng x chỉ số tác động (làm tròn lên đến mức 0,5)/ số tác giả.

Sẵn sàng chi trăm triệu

Theo nguồn của ISI thì năm 2014 ĐHQG Hà Nội có 264 bài báo quốc tế, tương đương với 10% của số lượng cả nước. Theo nguồn của Scopus là 314 bài. Trong vòng 20 năm vừa qua, tính từ năm 1995, số lượng bài báo quốc tế hàng năm của ĐHQG Hà Nội đã tăng gấp 20 lần.

Ông Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội cho biết “Chúng tôi không những khuyến khích công bố quốc tế, mà còn khuyến khích các nhà khoa học đăng ở các tạp chí có uy tín. Câu lạc bộ Các nhà khoa học  ĐHQG Hà Nội (VSL) đã thí điểm việc này rất tốt. Các nhà khoa học nào có bài đăng trong tạp chí nhóm Q1 và Q2 được hỗ trợ tài chính ở mức cao hơn”.

bài báo ISI, công bố quốc tế, nghiên cứu khoa học, ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP.HCM, ĐH Duy Tân
Ảnh Bùi Tuấn

Hàng năm, việc hỗ trợ được VLS thực hiện theo đợt. Đợt hỗ trợ thứ 2 của năm 2015 vừa được thực hiện, áp dụng cho các công trình công bố tính từ ngày 1/4 đến 25/9. 

Theo đó, bài báo công bố trên tạp chí khoa học thuộc danh mục cơ sở dữ liệu của ISI hoặc SCOPUS và được Tổ chức xếp hạng các cơ sở nghiên cứu khoa học SCIMAGO xếp hạng Q1 hỗ trợ 20 triệu đồng cho tác giả chính và 10 triệu đồng cho tác giả phụ.

Bài báo công bố trên tạp chí khoa học thuộc danh mục cơ sở dữ liệu của ISI hoặc SCOPUS và được Tổ chức xếp hạng các cơ sở nghiên cứu khoa học SCIMAGO xếp hạng Q2 đến Q4 15 triệu đồng cho tác giả chính và 7 triệu đồng cho tác giả phụ.

Được biết, đã có những đề tài công bố quốc tế của trường được nhận tổng mức hỗ trợ tới hơn 60 triệu đồng.

Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM) định hướng tới năm 2020 trở thành trường đại học định hướng nghiên cứu hàng đầu tại Việt Nam và của khu vực Đông Nam Á. Với mục tiêu trên, trường áp dụng cơ chế ưu đãi về lương và thời gian đối với giảng viên và nghiên cứu viên nhằm khuyến khích tập trung vào nghiên cứu; Thu hút nhiều dự án và nguồn tài trợ NCKH từ ngân sách nhà nước, doanh nghiệp, địa phương, cùng nhiều tổ chức trong và ngoài nước…

Trường thưởng trung bình 1.500 USD cho mỗi bài báo tạp chí ISI đăng vượt yêu cầu, trao giải thưởng đơn vị học thuật của năm, giải thưởng giảng viên xuất sắc của năm... Hỗ trợ chi phí tham dự hội nghị, hội thảo chuyên ngành.

Mới đây, đã có một phân tích của hai tác giả Phạm Hiệp và Huỳnh Hữu Hiền cho thấy năng suất khoa học (tính trên đầu tiến sĩ) của các đại học Việt Nam rất khác nhau. Kết quả phân tích đó cho ra một kết quả ngạc nhiên là năng suất của 2 trường đại học, là Trường ĐH Duy Tân và Trường ĐH Tôn Đức Thắng là cao hơn so với các đại học khác.

Có thể thấy sự hỗ trợ từ phía nhà trường là nguyên nhân quan trọng để có kết quả này.

TS Nguyễn Đức Hiền, Trưởng phòng Quản lý khoa học và Chuyển giao công nghệ, Trường ĐH Duy Tân cho biết hàng năm, giảng viên và sinh viên nhà trường triển khai một khối lượng lớn gồm hàng trăm đề tài nghiên cứu khoa học từ cơ sở đến cấp Thành phố, Tỉnh Bộ và Nhà nước.

“Trong những năm vừa qua, Hội đồng quản trị và Ban giám hiệu đã thực hiện nhiều chính sách thu hút nhân tài, không ngừng đầu tư cơ sở phòng thí nghiệm hiện đại để phục vụ công tác nghiên cứu và giảng dạy tại trường” – ông Hiền cho biết.

Trường đã thành lập Viện nghiên cứu Kinh tế - Xã hội và Viện nghiên cứu và phát triển Công nghệ cao. Các viện này đồng thời cũng tổ chức các hội nghị - hội thảo khoa học, trao đổi học thuật trong nước và quốc tế cũng như các sân chơi mang tính chất khoa học….

Đồng thời, trường cũng có hỗ trợ kinh phí tham gia hội thảo trong nước và quốc tế đối với các giảng viên.

Riêng về mức thưởng chung đối với các giảng viên có bài báo đăng trên tạp chí quốc tế ISI, có thể nói ĐH Duy Tân là một trong những trường “hào phóng” nhất. Trường thưởng ở mức: Chỉ số tác động (Impact Factor, IF) x 30.000.000 đồng/ bài báo.

Vì vậy, theo ông Hiền, trường đã có những bài có chỉ số IF là 4 được nhận thưởng trên 100 triệu đồng.

Ngân Anh (Email: honghanh.le@vietnamnet.vn)

  • CỤC SỞ HỮU TRÍ TUỆ VIỆT NAM
  • Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam
  • Liên hiệp các hội KHKT Đà Nẵng
  • SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TP ĐÀ NẴNG
  • Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Nam
  • TAP CHI KHCN VN
  • THANH TRA BỘ KHCN
  • NGÀY KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
  • BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
  • Đăng ký thi sơ tuyển